https://laodong.vn/kinh-te/chuyen-giao-cong-nghe-tu-tap-doan-lon-giup-nang-tam-doanh-nghiep-viet-734970.ldo
Xin ông cho biết trong việc chuyển giao công nghệ, tủ điện hạ thế Prisma iPM có những tính năng ưu việt hay phức tạp như thế nào mà sau 6 tháng Đạt Vĩnh Tiến đã sản xuất tủ nguyên mẫu và sẵn sàng sản xuất thương mại?
- Ông Nguyễn Trần Thanh Long (Tổng Giám đốc Cty Đạt Vĩnh Tiến): Trong 6 tháng, chúng tôi đã tập trung nguồn lực tốt nhất của mình đã vận hành sản xuất sản phẩm thử nghiệm để đạt hiệu quả cao nhất. Các công việc bao gồm: thứ nhất, chúng tôi phải chuẩn bị các thiết bị, các công cụ phù hợp để sản xuất chuyên biệt cho tủ điện hạ thế Prisma iPM; thứ hai, chúng tôi cũng phải đầu tư lại quy trình sản xuất kiểm soát chất lượng để đảm bảo các yêu cầu khắt khe nhất từ Schneider Electric; và cuối cùng, cần tìm nhà cung cấp vật liệu đúng yêu cầu, đúng kỹ thuật, đúng tiêu chuẩn của tập đoàn Schneider Electric. Chính vì thế, khoảng thời gian 6 tháng tuy dài nhưng nó phù hợp để chúng tôi triển khai và thực hiện sản xuất sản phẩm tủ điện Prisma iPM hoàn thiện, đáp ứng mọi tiêu chuẩn của Schneider Electric, sẵn sàng cho sản xuất thương mại.
Ông Nguyễn Trần Thanh Long, Tổng giám đốc công ty Đạt Vĩnh Tiến
Trong quá trình triển khai dự án chuyển giao công nghệ loại tủ điện cao cấp này, Đạt Vĩnh Tiến có gặp khó khăn gì trước những yêu cầu, tiêu chuẩn khắt khe của Schneider Electric?
- Ông Nguyễn Trần Thanh Long: Những khó khăn chủ yếu là vấn đề kỹ thuật, chúng tôi cần phải đáp ứng được quy trình kiểm soát chất lượng và tiêu chuẩn kỹ thuật nghiêm ngặt của Schneider Electric. Chúng tôi đã rất nghiêm túc đầu tư nguồn lực gồm cả con người và trang thiết bị để khắc phục những thiếu sót, đáp ứng được quy trình kiểm soát chất lượng, nhờ đó hoàn thiện quy trình sản xuất theo yêu cầu của Schneider Electric.
Qua việc nhận chuyển giao công nghệ thành công sản xuất được tủ điện hạ thế Prisma iPM, Đạt Vĩnh Tiến rút ra được kinh nghiệm cũng như học hỏi được những yếu tố cốt lõi nào?
- Ông Nguyễn Trần Thanh Long: Vấn đề quan trọng Đạt Vĩnh Tiến học được từ dự án chuyển giao công nghệ này chính là quy trình kiểm soát chất lượng và các tiêu chuẩn khắt khe của từng hạng mục gần như nhỏ nhất. Có thể trước đây với người Việt Nam, hay đối với các doanh nghiệp Việt Nam, những chuyện đó là nhỏ, rất đơn giản, không xem là quan trọng, thế nhưng nó lại thực sự đóng vai trò quyết định dẫn đến độ an toàn và thẩm mỹ, chất lượng của sản phẩm. Đó là vấn đề cốt lõi của sản phẩm trong thời buổi công nghệ 4.0 hiện nay.
Đạt Vĩnh Tiến đã sẵn sàng sản xuất thương mại tủ điện hạ thế Prisma iPM từ tháng 5.2019
Schneider Electric đã chọn Đạt Vĩnh Tiến làm đối tác để chuyển giao công nghệ sản xuất tủ điện hạ thế Prisma iPM, Schneider Electric đánh giá thế nào về Đạt Vĩnh Tiến và về việc tiếp nhận sự chuyển giao công nghệ của Cty này?
- Ông Sử Ngọc Danh (Phó Tổng giám đốc Schneider Eletric Việt Nam): Schneider Eletric là Tập đoàn tiên phong về chuyển đổi số trong lĩnh vực năng lượng và tự động hóa. Hơn 25 năm hiện hữu ở Việt Nam, Schneider Electric luôn cam kết mang đến những công nghệ tốt nhất và trợ giúp cho các đối tác địa phương phát triển. Chúng tôi chọn Đạt Vĩnh Tiến dựa vào 2 yếu tố chính, đó là khả năng đáp ứng về yêu cầu sản xuất công nghiệp và tiềm năng phát triển của Đạt Vĩnh Tiến trong tương lai
Ông Sử Ngọc Danh, Phó tổng giám đốc Schneider Electric Việt Nam
Prisma iPM là dòng sản phẩm cao cấp và trọng yếu của Schneider Electric. Quy trình chọn lựa đối tác của Schneider Electric rất khắt khe bắt đầu từ việc đánh giá tiềm năng của đối tác, lập dự án chuyển giao công nghệ, đánh giá quy mô của đối tác, đánh giá năng lực sản xuất và năng lực quản lý chất lượng. Đối tác này phải qua 2 vòng phê duyệt: đầu tiên là sự phê duyệt của Schneider Electric tại Việt Nam, và sau đó phải được sự phê duyệt của Schneider Electric tại Pháp. Chúng tôi chỉ chuyển giao công nghệ cho đối tác chỉ khi được phê duyệt qua hai khâu.
Chúng tôi đã hợp tác với nhau từ năm 2009 và đã có nhiều thành công cũng như phát triển song phương. Đạt Vĩnh Tiến là một trong số hiếm hoi những đối tác tại Việt Nam đáp ứng đầy đủ yêu cầu của chúng tôi về năng lực sản xuất và năng lực quản lý chất lượng.
Schneider Electric đánh giá như thế nào về chất lượng sản phẩm tủ điện Prisma iPM do Đạt Vĩnh Tiến sản xuất so với do các đối tác khác trên thế giới sản xuất?
- Ông Sử Ngọc Danh: Về sản phẩm Prisma iPM thì đây là mô hình chuyển giao công nghệ, thương hiệu vẫn thuộc sở hữu của Schneider Electric, vì thế sản phẩm do Đạt Vĩnh Tiến sản xuất cũng đáp ứng đầy đủ mọi tiêu chuẩn quốc tế của chúng tôi. Từ khâu sản xuất đến khâu kiểm soát chất lượng phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình của Schneider Electric. Quá trình đánh giá chất lượng sản xuất được diễn ra thường xuyên và giấy phép sản xuất chỉ có thời hạn nhất định. Chúng tôi có cán bộ kỹ thuật chuyên trách về chuyển giao công nghệ ở Việt Nam để có thể kiểm soát theo nhu cầu phát sinh trong quá trình sản xuất. Tuy nhiên, giấy phép sản xuất chỉ được gia hạn khi được bộ phận kiểm soát chất lượng và chuyển giao công nghệ ở Pháp phê duyệt.
Thưa ông Long, có phải bằng cách hợp tác với từng tập đoàn lớn như vậy để Đạt Vĩnh Tiến được nâng tầm, được học hỏi rất nhiều chính là mô hình, hướng đi lâu dài của công ty?
- Ông Nguyễn Trần Thanh Long: Doanh nghiệp Việt Nam còn nhiều hạn chế và đối với Đạt Vĩnh Tiến cũng không là ngoại lệ. Sự chuyển giao công nghệ từ những tập đoàn lớn giúp nâng tầm doanh nghiệp Việt. Chúng tôi luôn mong muốn được hợp tác với những tập đoàn lớn như Schneider Electric để từng bước phát triển nhanh hơn, tiếp thu công nghệ tiên tiến nhanh hơn, hòa nhập vào thị trường của khu vực tốt hơn và cũng nâng tầm chính mình về tư duy, quy mô, chất lượng và thương hiệu.
Ông có thể chia sẻ chiến lược kinh doanh sắp tới như thế nào sau khi thương mại hóa tủ điện hạ thế Prisma iPM?
- Ông Nguyễn Trần Thanh Long: Trước khi nhận được chuyển giao từ Schneider Electric, Đạt Vĩnh Tiến cũng đã là một doanh nghiệp cung cấp tủ điện hàng đầu các sản phẩm tủ điện nội địa. Nhưng Đạt Vĩnh Tiến nhận ra ngoài những nỗ lực của chính bản thân thì Cty cũng cần sự kết hợp với những đối tác, tập đoàn toàn cầu lớn như Schneider Electric. Chiến lược của Đạt Vĩnh Tiến sắp tới sẽ phát triển mạnh sẽ sản phẩm Prisma iPM, đồng thời liên kết thêm với Schneider Electric để có thể nhận được chuyển giao thêm nhiều sản phẩm khác tương tự hoặc cao cấp hơn. Hiện nay, Đạt Vĩnh Tiến cũng đã có một nhà máy 13.000m2 ở Long An, đồng thời năm nay công ty cũng đang xây dựng nhà máy mới với quy mô gần 10.000m2 nâng lên gần 20.000m2 sản xuất tủ điện nhằm vươn lên trở thành nhà sản xuất tủ điện có quy mô và tầm cỡ ở Việt Nam.
Xin cảm ơn hai ông!
Thu Hằng